Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) sau sáp nhập được kỳ vọng sẽ hình thành cực tăng trưởng mới của cả nước và vùng Đông Nam Bộ.

Theo Nghị quyết số 60-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, ba địa phương gồm TPHCM, tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ được hợp nhất, thành một đơn vị hành chính duy nhất mang tên TPHCM.
Trung tâm chính trị – hành chính sẽ đặt tại TPHCM hiện nay. TPHCM mới sau sáp nhập sẽ có diện tích khoảng 6.772 km², dân số hơn 13,7 triệu người và gồm 168 đơn vị hành chính cấp xã (phường, xã, đặc khu).
Năm 2024, tổng quy mô GRDP của 3 địa phương này đạt 2,71 triệu tỉ đồng, tương đương gần 24% GDP cả nước.
TPHCM – Trung tâm kinh tế hàng đầu cả nước
Hiện TPHCM có diện tích 2.095,39 km² và dân số gần 10 triệu người.
Thành phố tiếp tục giữ vững vị thế đầu tàu kinh tế, là trung tâm tài chính, công nghiệp, thương mại và dịch vụ lớn nhất cả nước.
Năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 1,78 triệu tỉ đồng. TPHCM cũng dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI với tổng vốn đăng ký gần 59 tỉ USD. TPHCM đang xây dựng trung tâm tài chính quốc tế.

Một điểm nhấn đáng chú ý là sự phát triển nhanh của kinh tế số và thương mại điện tử. Tỉ trọng kinh tế số của TPHCM đạt 21,5%. Thành phố hiện là trung tâm thương mại điện tử lớn nhất cả nước với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 20% mỗi năm.
Ngoài ra, hàng loạt dự án giao thông trọng điểm đang được triển khai như: Vành đai 3 kết nối TPHCM với Đồng Nai, Bình Dương, Long An; tuyến cao tốc TPHCM – Mộc Bài; cao tốc TPHCM – Chơn Thành; cao tốc Bến Lức – Long Thành,…
Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2024 ước đạt 508.553 tỉ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước.
Bình Dương – Điểm sáng công nghiệp và thu hút đầu tư
Tỉnh Bình Dương hiện có diện tích 2.694,7 km² và dân số khoảng 2,43 triệu người.
Những năm qua, địa phương này luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định, với tỉ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ chiếm trên 90% quy mô nền kinh tế.

Năm 2024, GRDP của Bình Dương đạt 520.205 tỉ đồng, xếp thứ 3 cả nước, sau TPHCM và Hà Nội.
Đáng chú ý, Bình Dương đã vượt Hà Nội về thu hút vốn FDI, trở thành địa phương đứng thứ hai cả nước với tổng vốn đăng ký đạt 43 tỉ USD.
Tỉnh sở hữu hệ thống hạ tầng giao thông phát triển mạnh, với các trục đường huyết mạch như Quốc lộ 13, Quốc lộ 14, đường Hồ Chí Minh và tuyến Xuyên Á. Đây là cửa ngõ giao thương quan trọng, kết nối TPHCM với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ.
Bà Rịa – Vũng Tàu: Trung tâm công nghiệp cảng biển và du lịch biển đảo
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có diện tích 1.982,56 km² và dân số gần 1,31 triệu người.
Đây là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng cao và nền kinh tế năng động, đặc biệt nổi bật trong các lĩnh vực công nghiệp, cảng biển, logistics, dầu khí và du lịch.
Năm 2024, Bà Rịa – Vũng Tàu có quy mô GRDP đạt 417.306 tỉ đồng – xếp thứ 6 về quy mô kinh tế cả nước.

Tỉnh có 305 km đường bờ biển với nhiều bãi tắm đẹp và tài nguyên thiên nhiên phong phú, là lợi thế lớn để phát triển mạnh ngành du lịch.
Đồng thời, Bà Rịa – Vũng Tàu còn sở hữu hệ thống cảng biển nước sâu hiện đại tại Cái Mép – Thị Vải, đóng vai trò then chốt trong mạng lưới hàng hải quốc tế và là cửa ngõ ra biển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Theo LaoDong